Nhìn không khác gì một cành củi khô nhưng lại được quảng cáo là siêu phẩm “đỗ quyên ngủ đông”. Cắm vào nước, chúng sẽ hồi tỉnh và bung nở… khiến không ít người tiêu dùng lo lắng loại hoa này bị tẩm các hóa chất độc hại.
Lo ngại hoa đỗ quyên ngủ đông bị tẩm hóa chất
Theo tìm hiểu, hoa đỗ quyên khô hay “đỗ quyên ngủ đông” loại hoa mới xuất hiện trên thị trường khoảng nửa tháng trở lại đây được nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc).
Bên ngoài, cành hoa đỗ quyên ngủ đông nhìn giống không khác gì những cành củi khô.
Chúng có chiều dài từ 50 – 60cm, mỗi bó trung bình từ 20-50 cành.
Đỗ quyên khô để được hơn 1 tháng nếu không chạm vào nước và thời tiết lạnh. Còn khi đã cắm vào nước, thì sau khoảng 1 tuần hoa sẽ nở và cũng chơi được khoảng 1 tháng nữa.
Độ nở của hoa tăng dần theo thời gian và màu sắc hoa thì có mối liên quan với ánh sáng mặt trời.
Cụ thể, cành đỗ quyên cắm vào bình nước đến ngày thứ 2 sẽ thức giấc, bắt đầu tươi lại. Ngày thứ 3 trở đi, nụ sẽ bung ra và lớn dần. Đến ngày thứ 7, hoa sẽ bung nở và khoảng 15 ngày thì các nụ nở hết.
Những bông nụ mới hé nở sẽ có màu tím hồng nhạt, khi nở tròn bông thì chuyển sang tím đậm, cánh hoa mỏng nhẹ, có mùi thơm nhẹ nhàng…
Chính vì sự hồi sinh một cách kỳ diệu này, mà loại hoa được đặt biệt danh vô cùng mĩ miều “Công chúa ngủ đông”. Tạo ra cơn “sốt” rầm rộ trên các chợ mạng bán đồ Tết và tại các tiệm hoa khô.
Tuy nhiên, song song với sự hiếu kỳ, thì nhiều chị em văn phòng lại cho rằng, loại hoa giá rẻ, có khả năng “biến hình” hết sức vi diệu đang “ngậm” hóa chất vô cùng độc hại.
Cũng giống như, trước đây, hoa hồng sáp Trung Quốc, hoa sao khô với đủ màu, đủ mùi có hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho người dùng…
Không có chuyện ngâm tẩm hóa chất vô cùng độc hại
Để làm rõ nghi vấn trên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Loại hoa đỗ quyên khô hay còn gọi là hoa ngủ đông này hoàn toàn có thể nở hoa bình thường mà không cần ngâm, tẩm các hóa chất độc hại mà nhờ công nghệ sấy lạnh kỹ thuật cao.
Công nghệ sấy lạnh còn gọi là freeze drying. Có từ lâu và rất phổ biến tại các quốc gia công nghệ phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan… Do trước đây có giá thành rất cao, quy mô đầu tư lớn nên công nghệ này chưa thực sự phổ biến và đại chúng…
Tuy nhiên, hiện nay công nghệ này được hoàn thiện và cung ứng ở nhiều quy mô khác nhau để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Công nghệ sấy lạnh, có thể sấy khô các sản phẩm chứa nhiều nước như dưa hấu, thanh long, cá, tôm, thậm chí cả một tô canh hay một ly kem mà không làm thay đổi mùi vị hay chất lượng sản phẩm… Đây chính là điểm khác biệt đối với phương pháp sấy khô truyền thống thông thường.
Với loại hoa đỗ quyên khô đang gây sốt ở Việt Nam, sau khi thu hoạch, hoa đỗ quyên tươi sẽ được xử lý tiệt trùng rồi đem vào say bằng công nghệ sấy lạnh.
Nguyên lý chủ đạo của quá trình này là buồng sấy được duy trì ở nhiệt độ 0-10°C, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ, áp suất bên trong và ngoài sản phẩm.
Vào thời điểm đó, hơi nước trong sản phẩm bắt đầu bốc hơi làm cho hoa đỗ quyên giảm dần độ ẩm một cách từ từ. Khi đến một độ khô phù hợp, thì hoa đỗ quyên khô sẽ được làm nguội.
Mặc dù nhìn hoa đỗ quyên có vẻ như một cành củi khô nhưng thực tế vẫn còn ẩm liên kết tồn tại bên trong thân cành… Chính vì vậy, khi được cắm vào nước, những “cành củi” đỗ quyên sẽ hút ẩm để dần dần hồi sinh và có thể nở hoa bình thường.
“Đây là một nghệ thuật sấy khá khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để hoa có thể tươi trở lại.” – PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, sản phẩm hoa đỗ quyên sau khi sấy khô sẽ được bảo quản bằng cách xông khí SO2 (lưu huỳnh điôxit – hay còn gọi là anhiđrit sunfurơ) để chống mốc.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng thiếu thông tin hoặc không hiểu dẫn đến bị hiểu nhầm rằng, việc xông khí lưu huỳnh để bảo quản sản phẩm là “tẩm” hóa chất độc hại.
“Thực tế, xông lưu huỳnh không phải là đem diêm sinh cho vào mà phải đốt lên sinh ra khí SO2 và xông vào mọi ngóc ngách của vật sấy để diệt hết vi khuẩn, nấm mốc, bào tử nấm mốc.
Trong quá trình sử dụng, chất khí SO2 này cũng bay ra hết.
Và không riêng gì chỉ Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đều dùng phương pháp này để bảo quản. Ví dụ như dùng trên măng sấy khô để chống bị mốc, hay như quả vải, quả nhãn sấy khô người ta cũng dùng SO2 để bảo quản chống mốc.
Thậm chí, trong sản xuất đường, gần như 100% là xông SO2 để bảo quản… Ngoài thực phẩm, phương pháp này còn dùng được cho cả dược phẩm” – PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích.