Xưa và nay, việc trồng cây xanh luôn luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sinh khí cho nhà ở. Cỏ cây tươi nhuận biểu hiện cho sự sinh khí thịnh vượng, dồi dào.
Dựa vào thiên nhiên khi sắp xếp nhà cửa thông qua việc dùng cây xanh (Mộc pháp) và mặt nước (Thủy pháp) là cách ứng xử chủ đạo giúp cho Phong Thủy dương trạch được hài hòa.
* Mộc pháp, từ xa đến gần
Mộc pháp là cách chọn cây và trồng cây sao cho phù hợp Phong Thủy (từ toàn cục đến chi tiết của nhà ở). Đối với các vùng nông thôn hay biệt thự nhà vườn, cây xanh là vành đai ngăn khí độc, giữ khí lành, cùng với mặt nước điều hòa vi khí hậu. Ta cũng có thể thấy mọi thôn xóm làng mạc… xưa nay đều có giải pháp bố cục cơ bản: 1 là kề cận nguồn nước (sông, ngòi, ao, hồ), 2 là lấy rừng cây, lũy tre làm chỗ dựa để có thể giảm các tác động bên ngoài.
Tác dụng về Phong Thủy của cây cối là Tàng Phong Tụ Khí, một mặt là để ngăn che gió lạnh (đối với Việt Nam là từ các hướng bắc hay đông bắc thổi xuống) và tạo được bóng râm chống nắng nóng gay gắt (từ các hướng tây hay tây bắc), một mặt lọc được bụi và giữ lại hơi nước, không ngăn cản gió lành từ hướng nam hay đông nam thổi lên. Do vậy, kinh nghiệm ” trước cau, sau chuối” của ông cha đã để lại cho chúng ta chính là cách trồng cây hợp khí hậu và phương vị, trong đó các mối quan hệ giữa ngôi nhà với vườn trước, vườn sau, vườn bên, ao cá… khá chặt chẽ và luôn hài hòa.
Tuy nhiên, dù có đất rộng thì cũng không thể nào trồng cây tùy tiện lan tràn mà cần tuân thủ theo các quy luật về thực vật và về Phong Thủy. Ví dụ không nên trồng cây to và rễ rộng trước cửa và sát tường vì rễ gây hỏng nứt tường nhà, đi lại bị va vấp.
* Bố trí cây xanh cân bằng Âm Dương
Tùy theo các vị trí nhà, cách thức bố cục mặt bằng và cấu trúc nhà (cao hay thấp tầng, rộng hay hẹp) cũng như quan hệ với nhà bên cạnh mà chọn loại cây để trồng cho đúng chỗ.
Cây cối luôn luôn vươn về phía có ánh sáng nên khoảng trống cho cây phải chừa đủ rộng, tránh cây vươn hoàn toàn sang… nhà bên cạnh bạn (do đất nhà mình ít) gây nhiều phiền toái (rụng lá, sâu bọ, hay làm “cầu nối” dễ dàng cho đạo tặc leo trèo).
Tốt nhất là “ăn cây nào rào cây nấy”, nên trồng và mé nhánh tỉa cành sao cho gọn gàng. Thực tế trong đô thị,các cây trồng nhà ở đa số là cây tiểu cảnh, dàn leo hay bonsai nên có thể kiểm soát dễ dàng được.
Như vậy khi chọn mua nhà đất, cần phải quan sát hướng của cây xanh so với nhà mình. Nếu mặt trước nhà nhìn ra hướng nhiều ánh sáng và gió (hướng lân cận nam thuộc Âm) thì cây trồng nên cần thưa thoáng để tăng tính Dương, như các cây kiểng thấp, cây trồng chậu để dễ di chuyển và thay đổi.
* Giảm xung hại nhờ cây xanh – mặt nước
Các yếu tố gây xung hại cho nhà ở rất đa dạng và đôi khi rất khó để nhận biết. Ví dụ như một lối vào đâm thẳng cửa chính (trực xung tiền môn),hay một cạnh tường chéo hay cầu thang đi thẳng ra ngoài cửa… Để khắc phục những xung hại này, đa phần nhờ các giải pháp Tọa Hướng (xoay mặt cửa mặt nhà) và che chắn, trong đó che chắn bằng cây xanh là hữu hiệu hơn tất cả.
Vì thế chỉ nên dùng hồ cá vừa phải, hoặc những cây tiểu cảnh loại nhỏ và mềm để chủ động sắp xếp và không gây va chạm nhiều trong quá trình sử dụng, ví dụ một lu nước thả sen súng.
Khi sắp xếp cây bon sai – non bộ thường tuân thủ theo các thế truyền thống (Tam đa, Tứ linh, Ngũ hành, Phụ tử…) kết hợp với đèn đá, tượng đá để thể hiện biểu tượng vũ trụ quan thu nhỏ của triết học Đông phương chứ không đơn thuần chỉ là trang trí.